TIN MỚI NHẤT

Công tác Mặt trận qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trên cơ sở Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Kế hoạch số 04-KH/TU, ngày 05/02/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng Kế hoạch và triển khai đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thị xã, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số để tổ chức thực hiện. 

Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến, quán triệt, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho các đối tượng là cán bộ cấp xã, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo và người có uy tín… trong đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể:  Hiến Pháp Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật đất đai, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bảo vệ môi trường, Luật giao thông đường bộ, công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và của tỉnh. Tại các địa phương, Ủy  ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với bà con dân tộc về đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Một số địa phương còn phối hợp với Công an huyện hướng dẫn cơ sở phối hợp vận động bà con thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” góp phần giữ ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát huy được vai trò của các chức sắc, già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc nhất là trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương thông qua các cuộc họp, hội nghị của Mặt trận các cấp, thông qua hệ thống truyền thanh không dây, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội nghị họp mặt chức sắc dân tộc, tôn giáo hàng năm... góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhiều năm qua không xảy ra tình trạng con cháu vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội; không xuất hiện đơn thư, khiếu kiện đông người, kéo dài, các mâu thuẫn trong cộng đồng nhân dân được Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư phối hợp với người có uy tín hòa giải thành công.

Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều ban hành văn bản hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố, theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con; phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, tích cực hưởng ứng tham gia các hoạt động phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng các hoạt động phong trào do Mặt trận Tổ quốc chủ trì, như: Cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", vận động ủng hộ giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường" phù hợp với đặc điểm, phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh nhằm xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu dân cư văn hóa; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong các hoạt động cộng đồng cũng như trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào. Để đưa các nội dung các cuộc vận động đi vào thực tiễn đời sống của bà con dân tộc thiểu số, giúp cho bà con thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” … Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức thành viên có liên quan tại các địa phương đã tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các vị chức sắc, già làng, người có uy tín trong thôn triển khai phát động xây dựng các mô hình như: mô hình “khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông”,  mô hình “Khu dân cư phòng, chống tội phạm, ma túy”, mô hình “Khu dân cư không bạo lực gia đình” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường” góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt, trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trong đồng bào Chăm (thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí - Hàm Thuận Bắc; xã Phan Hòa, Phan Thanh - huyện Bắc Bình; thôn Lạc Trị, xã Phú lạc, huyện Tuy Phong), mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường” và “Hố xử lý rác thải gia đình” tại thôn Suối Máu, xã Tân Hà (dân tộc Rắc lây); mô hình Kết nghĩa giữa Đồn Biên phòng với thôn đồng bào thuần dân tộc Chăm (xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân)… xây  dựng mô hình tự quản tại Bắc Bình như: dòng họ tự quản ở Phan Hiệp, Phan Hòa, Phan Sơn, mô hình chức sắc tôn giáo với phong trào giữ gìn an ninh trật tự ở Chùa Bà ni (Châu Hanh, Cảnh Diễn - Phan Thanh)... Tại huyện Tánh Linh đã phối hợp triển khai phát động xây dựng được 08 mô hình “khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, 02 mô hình “Khu dân cư phòng, chống tội phạm, ma túy” và 01 mô hình “Khu dân cư không bạo lực gia đình” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (huyện Tánh Linh đã xây dựng và duy trì  mô hình 11 khu dân cư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số)Thông qua việc xây dựng các mô hình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều khu dân cư từng bước xóa bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng và thực hiện nếp sống mới theo hướng hiện đại, như: ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trong sinh hoạt, hố xí hợp vệ sinh, nhà tắm, giếng nước, thu gom rác thải đến nơi tập trung… đã tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần giúp bà con có nhận thức nhất định trên một số lĩnh vực của cuộc sống, tự giác chấp hành pháp luật, ứng xử có văn hóa hơn trong gia đình và xã hội; hạn chế tai nạn giao thông, tội phạm, ma túy; giữ gìn và xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng năm vào các dịp lễ, Tết Nguyên đán, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh đưa hàng Việt về phục vụ nhu cầu của bà con nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 05 năm qua, tổ chức 25 đợt đưa hàng Việt về phục vụ bà con nhân dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện như: Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh, Tuy Phong, Bắc Bình….

Công tác kết nghĩa giữa cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số Phan Điền, huyện Bắc Bình giai đoạn 2013 -2015 (giai đoạn 1); 2015 - 2020 (giai đoạn 2) tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện, bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Qua một thời gian thực hiện công tác giao lưu, kết nghĩa, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với cấp ủy, chính quyền xã Phan Điền, huyện Bắc Bình. Từ khi kết nghĩa đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như: Hội nghị tuyên truyền Ngày pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; tuyên truyền pháp luật về Biển, đảo và Luật Bình đẳng giới, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tội phạm… cho khoảng 800 đại biểu là các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phan Điền, Ban điều hành và Ban công tác Mặt trận các thôn, Chi hội trưởng, Chi hội phó các Chi hội, Tổ trưởng, Tổ phó Hội phụ nữ của các thôn, người uy tín, cá nhân tiêu biểu và toàn thể cán bộ quân dân chính xã Phan Điền. Công đoàn cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Bình Thuận hỗ trợ 50 triệu đồng xây mới 01 căn nhà cho hộ dân Trịnh Thị Tiến, thôn Phú Điền, xã Phan Điền; vận động nhà hảo tâm hỗ trợ trao trên 1.000 suất quà, bộ máy vi tính, cán bộ, công chức cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đóng góp 18 triệu đồng mua 01 con bò mẹ và 01 con bê con tặng cho hộ bà Nguyễn Thị Thủy, thôn Tân Điền, xã Phan Điền… qua đó đã phát huy được tinh thần đoàn kết gắn bó, mật thiết của cán bộ công chức cơ quan với đồng bào các dân tộc, góp phần xây dựng, củng cố tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em trên địa bàn. Công tác vận động đồng bào giữ gìn, bảo tồn phát huy những giá trị truyền thống về văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, vươn lên thoát nghèo, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội tiếp tục được quan tâm. Khắc phục tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm vào Nhà nước, động viên từng người dân, gia đình, cộng đồng, tập thể vùng dân tộc thiểu số tích cực tham gia thực hiện các nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đi đôi với việc tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc.

 Đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được nâng lên và không ngừng cải thiện, các hoạt động thể thao, lễ hội truyền thống các dân tộc được duy trì, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Đến nay, 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh; 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 17/17 xã thuần đồng bào DTTS có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động lễ hội ngày càng được quan tâm tổ chức trang trọng hơn, bài bản hơn, các lễ, hội truyền thống được phục dựng và bảo tồn.  Hàng năm, các khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” nhân kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11), các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng, các trò chơi dân gian, hoạt động thể dục thể thao được tổ chức phong phú, sinh động phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng vùng miền, làm phong phú, đa dạng sắc thái văn hóa của cộng động các dân tộc Việt Nam, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Tính từ năm 2016 cho đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vận động, phối hợp với các nhà hảo tâm, các tổ chức đã tặng và hỗ trợ tổng giá trị trên 500 triệu đồng cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao (K’ho và Raglay) đón Tết Đầu lúa, Tết Nguyên đán; tặng quà, trao học bổng cho một số hộ đồng bào Chăm và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của 2 tôn giáo Bà ni và Bà la môn nhân các ngày Tết Ramưwan, Katê, qua đó động viên đồng bào thực hiện tốt về mọi mặt đời sống văn hóa trong các Lễ hội, tết cổ truyền của từng dân tộc. 

Qua triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011, Thông tư Liên tịch số 05/2011/TTLT-UBDT-BTC ngày 16/12/2011; Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 07/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-UBDT-BTC ngày 10/01/2014 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện tiến hành bình xét, rà soát lại người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trình UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận làm cơ sở thực hiện chính sách đối với người có uy tín, đảm bảo kịp thời theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả từ năm 2016 đến năm 2020, có 455 lượt người có uy tín của 10 thành phần dân tộc thuộc 8/10 huyện, thành phố; kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ vật chất khi người có uy tín gặp khó khăn, ốm đau; thăm hỏi và tặng quà vào các dịp Tết nguyên Đán, Tết Ramưwan, Katê, Tết đầu lúa… Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các tập thể, các cá nhân chức sắc các tôn giáo, Già làng, người có uy tín, gia đình có công với cách mạng, qua đó để động viên đồng bào thực hiện tốt về mọi mặt đời sống văn hóa trong các Lễ hội, tết cổ truyền của từng dân tộc (trong 5 năm qua, tặng  hơn 2.000 phần quà trị giá trên 600 triệu đồng ).Từ năm 2016 đến năm 2019, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức đoàn chức sắc các tôn giáo, dân tộc (16 đại biểu, trong đó có 12 đại biểu người dân tộc Chăm) tham gia Hội nghị nghiên cứu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khu vực phía Nam và Luật Tín ngưỡng Tôn giáo tại T.p Hồ Chí Minh do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức; tổ chức đưa Đoàn đại biểu các chức sắc tôn giáo, dân tộc và người có uy tín tỉnh Bình Thuận đi viếng Lăng Bác, thăm Văn phòng Chủ tịch Nước và tham quan các tỉnh Miền Bắc, Tây Nam Bộ và đi thăm các công trình trọng điểm kinh tế và tham quan các địa danh lịch sử, thắng cảnh trong tỉnh với số lượng là 135 người (trong đó đại biểu người dân tộc 84 người). Qua các chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm, các đại biểu đã chứng kiến tiềm năng phát triển kinh tế tỉnh nhà, những đổi thay của đất nước, tham quan những danh lam thắng cảnh, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các vị chức sắc tôn giáo, dân tộc và người có uy tín tỉnh Bình Thuận, góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

 

 


Các tin khác

TÀI LIỆU