TIN HOẠT ĐỘNG

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tánh Linh với công tác hòa giải ở cơ sở.

Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống Mặt trận từ huyện đến cơ sở và khu dân cư; nhằm từng bước nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương đường lối đổi mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước hiện hành; hạn chế thấp nhất tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp, giảm áp lực giải quyết các kiến nghị, tranh chấp của nhân dân đối với các cấp chính quyền.

Huyện Tánh Linh có 76 tổ hòa giải/76 thôn, bản khu phố; có 443 hòa giải viên cơ sở. Trong năm, các Tổ hòa giải ở thôn, bản, khu phố đã phát huy tinh thần trách nhiệm của mình; tiếp nhận và tổ chức hòa giải thành 101/107 vụ việc (so với năm 2018 có 155/158 vụ hòa giải thành, giảm 54 vụ). Nội dung chủ yếu liên quan đến tranh chấp ranh giới đất, tranh chấp tài sản, hôn nhân gia đình và xích mích gây mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư…; nhiều vụ việc phức tạp, nhưng cũng được Tổ kiên trì vận động, thuyết phục giải quyết thành công, như: tranh chấp ranh vườn, thừa kế tài sản; đã tạo được lòng tin trong cộng đồng dân cư, gắn kết tình làng, nghĩa xóm và tình cảm cha mẹ, anh em thân thuộc…; góp phần không nhỏ ổn định tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương. Nhìn chung, việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, đã tạo cơ sở và hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hoạt động có hiệu quả, tạo bước chuyển biến trong công tác hòa giải ở cơ sở. Đến nay Ban Thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã ra mắt và nhân rộng được 05 mô hình không bạo lực gia đình ở trong đó làm điểm 02 mô hình, nhân rộng 03 mô hình ở các xã: Đức Thuận, Đức Bình và Nghị Đức; từ đó, cũng đã góp phần giảm đáng kể giảm thiểu những mâu thuẩn xảy ra trong gia đình, trong cộng đồng dân cư. Mặt khác, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng đã phối hợp với Hội Luật gia huyện và Phòng Tư pháp xây dựng Chương trình phối hợp về nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hoà giải ở cơ sở; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý ở 14 xã, thị trấn, qua đó truyền tải nhiều thông tin đến với cơ sở và người dân về Luật hòa giải ở cơ sở, để cho người dân nắm rõ, nhằm giúp nhân dân nhận thức đầy đủ vấn đề về khiếu kiện và các hành vi vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các xã, thị trấn triển khai Chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc các xã, thị trấn và Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư. Trong năm 2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã xây dựng kế hoạch để phối hợp với Hội Luật gia huyện tổ chức tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý tại 02 xã: Huy Khiêm và Bắc Ruộng, có gần 200 người tham dư. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với Phòng Tư pháp hướng dẫn củng cố, kiện toàn mạng lưới Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên, bảo đảm kinh phí hoạt động; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, tập huấn nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở gắn với các biện pháp giải quyết tranh chấp ở cộng đồng dân cư trước khi khởi kiện để người dân tích cực giải quyết mâu thuẩn, tranh chấp ngay tại cộng đồng; tham gia cùng với Tư pháp huyện kiểm tra công tác tư pháp năm 2019 ở một số xã, thị trấn.

Trong thời gian đến, để tiếp tục thực hiện tốt Luật hòa giải ở cơ sở các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần quan tâm phối hợp thực hiện tốt một số nội dung: Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng để nhân dân lựa chọn sử dụng nhiều biện pháp hòa giải nhằm giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng hiệu quả; Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể cần nhận thức sâu sắc và toàn diện về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó xác định được phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; Thường xuyên rà soát, củng cố và kiện toàn kịp thời tổ hòa giải phù hợp với đặc điểm tình hình ở mỗi địa bàn khu dân cư. Chú trọng nâng cao kiến thức pháp luật, thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật cho tổ hòa giải và hòa giải viên; Tăng cường hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở phải gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá những ưu điểm, kết quả trong công tác này, chỉ rõ những hạn chế yếu kém còn tồn tại và những biện pháp khắc phục; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, có như vậy hoạt động hòa giải ở cơ sở mới đem lại hiệu quả, chất lượng./.


 


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

TÀI LIỆU