TIN HOẠT ĐỘNG

UBMTTQ Việt Nam huyện Hàm Tân: Hiệu quả qua 9 năm triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội

Công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận từ trước tới nay, tuy nhiên từ khi có Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) thì công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền đã được cụ thể hóa rõ nét hơn.

Hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp giám sát, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và tổ chức thực hiện có hiệu quả với các hình thức giám sát theo quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai thực hiện, Mặt trận các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội đã bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh, đồng thời có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Thực tiễn công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực, được cấp ủy Đảng, và nhân dân đánh giá cao; góp phần vào việc phát hiện những điểm chưa tốt, còn hạn chế để kiến nghị khắc phục

Qua 09 năm triển khai thực hiện đã tổ chức được 09 đợt tập huấn cho 1.152 lượt cán bộ Mặt trận các cấp, Ủy viên Ủy ban MTTQVN huyện, thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tiến hành giám sát 61 cuộc giám sát/61 nội dung, trong đó cấp huyện tổ chức 23 cuộc đối với 17 cơ quan, đơn vị; đã kiến nghị 58 nội dung đối với cơ quan, đơn vị có liên quan; tổ chức 08 hội nghị phản biện 03 nội dung trong đó hầu hết các nội dung đều được giải quyết. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, thị trấn đã phối hợp với Đoàn thể chính trị xã hội giám sát 38 cuộc, phản biện 10 cuộc.

Việc triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện tuy chưa nhiều nhưng mang lại hiệu quả rõ nét. Kết quả đó là nhờ: Thứ nhất việc lựa chọn được những vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương được nhân dân quan tâm từ đó giúp cho đơn vị được giám sát nắm rõ khó khăn, hạn chế, đồng thời kiến nghị đề xuất để các cơ quan chức năng đôn đốc, chỉ đạo giải quyết như giám sát việc cấp thẻ bảo hiểm cho hộ nghèo, giám sát công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, giám sát công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo hay giám sát công tác quản lý về chất lượng vật tư nông nghiệp, lâm nghiệp; phân bón và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giám sát về chất lượng xây dựng công trình các trường Tiểu học và Mầm non trên địa bàn huyện, giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ. Thứ hai đó là thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội giúp cho các cơ quan được giám sát nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Thứ ba, đối với công tác phản biện, Mặt trận huyện phản biện dự thảo kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo năm 2018, 2019. Tổ chức 6 hội nghị phản biện dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án giao thông nông thôn từ 2017 đến 2022 của UBND huyện; từ kết quả của công tác phản biện đã giúp chính quyền địa phương đưa ra chỉ tiêu, nhiệm vụ, lựa chọn đối tượng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương giúp cho kế hoạch đưa vào thực hiện đạt kết quả cao. Thứ tư, thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ Mặt trận, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế xã hội của huyện hàng năm.

Một số kinh nghiệm rút ra đó là: Thứ nhất, vấn đề đầu tiên muốn công tác giám sát thành công thì phải am hiểu nhiều lĩnh vực chuyên môn, có kiến thức đa dạng, trên nhiều lĩnh vực. Thứ hai, nội dung giám sát phải được bàn bạc, lựa chọn chặt chẽ thông qua qua tình hình thực tế tại địa phương, thông qua tiếp xúc cử tri hoặc thông qua đi cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng những vấn đề bức xúc nổi lên qua đó sàng lọc, lựa chọn nội dung cho phù hợp. Thứ ba, cơ quan tham mưu cho cấp ủy phê duyệt nội dung giám sát phải nắm chắc tình hình dư luận nhân dân, phân phối nội dung giám sát hợp lý, tránh trùng lắp nội dung với cơ quan được giám sát. Thứ tư, yếu tố hết sức quan trọng đó là sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện đối với các kiến nghị sau giám sát. Sau khi có kiến nghị của Mặt trận thì Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện có văn bản chỉ đạo thực hiện ngay, đặc biệt đối với những vấn đề bức xúc thì Thường trực Huyện ủy đã trực tiếp đi đến cơ sở để ghi nhận tình hình thực tế để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.  

Bên cạnh những mặt đạt được trong quá trình triển khai thực hiện còn có những khó khăn, vướng mắc như trình độ chuyên môn của cán bộ Mặt trận có mặt còn hạn chế vì lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội đa dạng; kinh phí cho hoạt động giám sát, phản biện còn ít vì thế chưa đủ điều kiện để thuê các chuyên gia trên các lĩnh vực cùng tham gia giám sát, phản biện để công tác này có chiều sâu hơn, hiệu quả hơn.

Để thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần tích cực trong tham gia thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó với vai trò giám sát của mình, khuyến khích người dân phản ảnh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa”. Cần phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trong việc cung cấp thông tin, đảm bảo để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo đúng các quy định hướng dẫn. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tạo mọi điều kiện để MTTQ tổ chức giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả hơn./.  

Tác giả: Nguyễn Thị Lệ Thanh


Các tin khác

TÀI LIỆU