TIN HOẠT ĐỘNG

Một số kết quả đạt được trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023

Năm 2023, thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (gọi tắt là Cuộc vận động tỉnh); các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng Cuộc vận động. Thông qua công tác tuyên truyền Cuộc vận động, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngày càng thể hiện trách nhiệm, đạo đức kinh doanh đối với người tiêu dùng; đã sản xuất nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, phong phú về chủng loại, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã nêu cao ý thức ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước trong tiêu dùng nên đã tác động tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa Việt Nam.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện tốt vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, đã tích cực, chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động trong tình hình mới; Mặt trận các cấp trong tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về triển khai thực hiện Cuộc vận động; giới thiệu các sản phẩm OCOP tại địa phương... đã tổ chức khoảng 500 đợt tuyên truyền, thu hút hơn 35.000 lượt người tham dự và tham gia viết hơn 100 tin, bài tuyên truyền về Cuộc vận động trên trang Thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các trang mạng xã hội như zalo, facebook, fanpage Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động; hàng tháng đưa nhiệm vụ công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động vào chỉ đạo định hướng tuyên truyền và tăng cường nắm tình hình dư luận xã hội trong Nhân dân; kịp thời đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Cuộc vận động, gây cản trở phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp Việt Nam. Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo hệ thống Ban Dân vận các cấp tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động qua Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với chủ đề năm của Tỉnh ủy "Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp"; tích cực tham gia các hoạt động, các sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Ban Chỉ đạo 35 của Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh duy trì thường xuyên đăng tin, bài trên fanpage “Đảng ủy Khối Bình Thuận” để tuyên truyền cung cấp thông tin, góp phần định hướng dư luận xã hội, trong đó có các nội dung liên quan đến việc thực hiện Cuộc vận động, nhất là các chương trình, hoạt động hưởng ứng chuỗi sự kiện Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Sở Công Thương phối hợp các địa phương liên quan tuyên truyền hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3 với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”, lắp đặt 164 băng rôn trên các tuyến đường chính, các chợ của thành phố Phan Thiết. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường tuyên truyền Cuộc vận động gắn với các hoạt động thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh; giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá các tuyến du lịch, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh gắn với quảng bá các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của tỉnh, đặc biệt là tại các hoạt động, sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2023...

Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và hội chợ triển lãm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Sở Công Thương đã tiếp nhận và giải quyết xác nhận 16 hội chợ triển lãm tổ chức trên địa bàn tỉnh; vận động, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bình Thuận tại các hội chợ triển lãm; phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tổ chức 3 phiên chợ đưa hàng Việt về huyện Phú Quý, Bắc Bình, Hàm Tân, mỗi Phiên chợ thu hút khoảng 30 doanh nghiệp tham gia với hơn 35 gian hàng giới thiệu các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chất lượng tốt, giá cả hợp lý, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng huyện đảo như lương thực thực phẩm, giày dép, quần áo, mỹ phẩm... phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có sản phẩm OCOP cấp tỉnh, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương được biết, ứng tham gia sàn thương mại điện tử ngành Công Thương, đến nay có 56 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 181 sản phẩm các loại; hỗ trợ 17 cơ sở có sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia Đề án “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận”, đến nay, đã có 79 sản phẩm của các cơ sở được tạo mã QR. Tỉnh đoàn thanh niên phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các đợt bán hàng lưu động, các chương trình “Siêu thị hạnh phúc”, “Tạp hóa 2.000 đồng” đưa các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có thương hiệu, chất lượng, giá cả phù hợp về phục vụ vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, các khu công nghiệp cho thanh niên. Trong năm, đã tổ chức được 11 đợt bán hàng lưu động tại các xã miền núi trên địa bàn tỉnh.

Song song đó, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường được quan tâm triển khai thực hiện. Sở Công Thương tổ chức 9 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 100 tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, điện mặt trời mái nhà, điện lực, năng lượng tái tạo, kinh doanh xăng dầu, vật liệu nổ công nghiệp. Qua thanh tra, kiểm tra, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 tổ chức với tổng số tiền hơn 768 triệu đồng. Cục quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 559 vụ, xử lý 233 vụ vi phạm với 280 hành vi vi phạm, trong đó: 10 hành vi vi phạm về hàng cấm, 111 hành vi vi phạm về hàng lậu, 15 hành vi vi phạm về hàng giả, 75 hành vi vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, 5 hành vi trong lĩnh vực giá và 64 hành vi vi phạm khác. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách Nhà nước là 3.897,1 triệu đồng; tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 3.838,83 triệu đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định điều kiện sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm 923 cơ sở; thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vật tư nông nghiệp cho 316 cơ sở cơ sở; thanh tra 568 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 52 cơ sở; tổ chức cho 4.979 cơ sở, hộ gia đình ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn...

Bên cạnh những kết quả đạt được về triển khai thực hiện Cuộc vận động, cũng còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như công tác tuyên truyền về Cuộc vận động được chú trọng, phối hợp triển khai thực hiện nhưng có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, liên tục; nhận thức của một bộ phận Nhân dân về ý nghĩa, vai trò của Cuộc vận động chưa cao; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tuy được quan tâm triển khai thường xuyên, nhưng vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành trên thị trường đã ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt có chất lượng, làm giảm niềm tin của nhân dân; năm 2023, kinh tế gặp nhiều khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hàng hóa giảm, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp nội địa và trong triển khai thực hiện Cuộc vận động; nhiều sản phẩm hàng Việt có chất lượng tốt nhưng việc ghi nhãn, thiết kế bao bì sản phẩm còn đơn giản, chưa phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, nhất là các sản phẩm của hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh nên việc kết nối tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế; các địa phương trong tỉnh chưa kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện Cuộc vận động; việc kết nối các doanh nghiệp có uy tín, tiềm lực để đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ bà con còn ít, chưa được thường xuyên...

Thời gian đến, các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Cuộc vận động; kết hợp nội dung tuyên truyền Cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp, phối hợp với các cơ quan thông tin báo, đài, trang thông tin điện tử tại địa phương thường xuyên quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, thương hiệu Việt Nam, giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin và chất lượng hàng hóa Việt Nam để lựa chọn khi tiêu dùng; vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống phân phối hàng Việt, tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt đối với vùng nông thôn, hải đảo, miền núi; nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trong chương trình OCOP, sản phẩm là đặc sản, đặc trưng của địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện tốt công tác kiểm tra kết hợp tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; không kinh doanh, vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm kém chất lượng; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện Cuộc vận động...


Các tin khác

TÀI LIỆU