TIN HOẠT ĐỘNG

Mặt trận các cấp huyện Bắc Bình: Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

Trong năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai hiệu quả các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Từ đó, phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh.

Để hoạt động giám sát và phản biện xã hội phát huy hiệu quả, ngay từ đầu năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện đã chủ trì hiệp thương thống nhất nội dung với các tổ chức chính trị - xã hội để lựa chọn những vấn đề mà nhân dân quan tâm, bức xúc đưa vào kế hoạch, chương trình giám sát và phản biện xã hội. Đối với hoạt động giám sát, nội dung phải đảm bảo không có sự chồng chéo, có trọng tâm, trọng điểm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Mặt trận huyện đã ban hành Kế hoạch số 178, ngày 01/12/2022 về giám sát và phản biện xã hội năm 2023 với 2 nội dung như giám sát theo Quyết định 217 về Quy trình rà soát và phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán thuộc Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 99, ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đến nay, Mặt trận huyện đã thực hiện giám sát việc Quy trình rà soát và phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán thuộc Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đối với Phòng Dân tộc huyện; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với Bí thư xã Sông Bình. Mặt trận cấp xã đã đăng ký và được Cấp ủy cùng cấp phê duyệt 18 nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như giám sát tiếp nhận giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác quản lý và sử dụng đất 5%; việc chi trả tiền điện cho hộ nghèo... đến nay đã hoàn thành 18 nội dung giám sát. Sau giám sát, Mặt trận các cấp trong huyện đã kiến nghị với Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tổ chức liên quan và các đơn vị được giám sát kịp thời có kế hoạch, biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, triển khai rõ, cụ thể nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.

Ngoài ra, Ban Thanh tra nhân dân của các xã, thị trấn đã tiến hành giám sát 89 cuộc các vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân trên địa bàn như giám sát giám sát giải quyết xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giám sát việc thu chi các loại quỹ do nhân dân đóng góp; việc chi trả các chế độ cho đối tượng chính sách hàng tháng, người có công theo quy định; việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 41 cuộc về việc làm đường giao thông nông thôn, nạo vét và bê tông kênh nội đồng, xây dựng nhà văn hóa xã, giao thông nội đồng, hệ thống thoát nước, tường rào xã, Bia ghi danh xã... Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc giám sát, hoạt động phản biện xã hội cũng được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện quan tâm thực hiện và đạt những kết quả. Mặt trận huyện tổ chức hội nghị phản biện dự thảo về phương án sử dụng khu đất Trường mầm non Hướng Dương (cơ sở cũ) tại khu phố Xuân An 2-thị trấn Chợ Lầu và tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian đến Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội; chủ động lựa chọn nội dung, hình thức giám sát và phản biện xã hội cho phù hợp; kịp thời kiến nghị và theo dõi kết quả thực hiện sau giám sát... Từ đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 


Các tin khác

TÀI LIỆU