Kết quả qua triển khai thực hiện, Mặt trận Tổ quốc – các Đoàn thể từ thành phố đến phường, xã đã lựa chọn nội dung và đã thực hiện được 65 cuộc giám sát chuyên đề với 52 nội dung giám sát tại các cơ quan, đơn vị cấp thành phố và phường, xã; tổ chức 03 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo luật, văn kiện đại hội đảng, văn bản góp ý liên quan đến các dự án, chính sách, kế hoạch tại địa phương liên quan đến người dân; qua đó kịp thời phản ánh những ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân với cấp ủy Đảng, Chính quyền thành phố và phường, xã để xem xét giải quyết.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố và phường, xã thời gian qua còn không ít khó khăn, hạn chế như: Còn lúng túng trong việc chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội; kết quả giám sát và phản biện xã hội chưa đều; phản biện còn ít; một số phường, xã thực hiện công tác giám sát còn mang tính hình thức, thụ động; còn có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc theo dõi thực hiện sau giám sát và phản biện chưa thường xuyên...
Những khó khăn, hạn chế này có nguyên nhân do giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể là giám sát không có chế tài ràng buộc trách nhiệm cho nên khâu thực hiện sau giám sát chưa cao; một số ban, ngành, chưa quan tâm đến thực hiện các kiến nghị sau giám sát...
Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian đến, Mặt trận và các Đoàn thể từ thành phố đến cơ sở cần thực hiện tốt một số giải pháp:
Một là, đề nghị các cấp ủy, chính quyền thành phố và phường, xã tiếp tục chỉ đạo quán triệt, triển khai các văn bản, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan đến các cấp, các ngành để tổ chức thực hiện đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội; Sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy và sự phối hợp của chính quyền là nhân tố rất quan trọng quyết định đến hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tác động đến nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội.
Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể các cấp cần phát huy các hình thức vận động, tuyên truyền, tập hợp, đoàn kết nhân dân thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước để sâu sát, kịp thời nắm bắt và phản ánh ý kiến của nhân dân; phát hiện những vướng mắc, bất cập, sai sót trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; thường xuyên, đột xuất, định kỳ phản ánh đến cấp ủy, chính quyền. Kết hợp nhiệm vụ lắng nghe ý kiến nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật với nhiệm vụ phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Qua đó lựa chọn nội dung mà nhân dân đang bức xúc để thực hiện công tác giám sát. Sau giám sát và phản biện xã hội, cần theo dõi, đôn đốc, chất vấn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các đề xuất, kiến nghị.
Ba là, Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát huy tinh thần giám sát trực tiếp của nhân dân trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là liên quan đến cơ chế, chính sách, chế độ hỗ trợ; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, xây dựng danh hiệu khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa.