TIN HOẠT ĐỘNG

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - kết nối cộng đồng chung tay xây dựng quê hương

Qua 20 năm tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện Tánh Linh đã được cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị mà Ủy ban MTTQ Việt Nam là nòng cốt quan tâm triển khai sâu rộng đến từng thôn, khu phố, hộ gia đình. Ngày hội được đông đảo Nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo không khí thi đua sôi nổi và thu được nhiều kết quả.

Toàn huyện Tánh Linh hiện có 76 thôn, bản, khu phố, 29.213 hộ/106.726 khẩu, có khoảng 15% là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo chiếm 39% dân số chính vì vậy mà đời sống văn hóa và phong tục tập quán của Nhân dân rất đa dạng, phong phú, đại bộ phận Nhân dân sống bằng nghề nông nghiệp, một số bộ phận làm nghề tiểu thủ công nghiệp như gạch, gia công mỹ nghệ… đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương cơ bản được giữ vững và ổn định. Từ năm 2003 đến nay, dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam vào tháng 11 hàng năm đã trở thành ngày vui của toàn thể bà con Nhân dân trong huyện, khắp đường làng, ngõ xóm, khu phố cờ hoa rực rỡ, người dân cùng nhau nô nức tham dự Ngày hội. Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, thông qua việc tổ chức Ngày hội, những giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc đã được gìn giữ và phát huy, góp phần củng cố tình làng nghĩa xóm, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Những hoạt động triển khai trong Ngày hội đã góp phần tuyên truyền làm giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Các danh hiệu văn hóa hàng năm đều tăng, xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong học tập, công tác, lao động sản xuất. Các phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp. Tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội cũng ngày càng được lan tỏa; khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Hàng năm, có trên 95% số hộ gia đình trong huyện đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, có trên 85% số hộ được công nhận đạt gia đình văn hóa (đến nay toàn huyện có 23.421 hộ/25.269 hộ gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 92,6%); công nhận 74 thôn, bản, khu phố văn hóa, 76/76 thôn, bản, khu phố đều có quy ước, có 18.887 hộ đăng ký gia đình hiếu học, 13 dòng họ hiếu học; 84 đơn vị học tập. Mặt trận, các hội đoàn thể các cấp ở địa phương đã đẩy công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp được gần 84 tỷ đồng cùng với vốn của tỉnh, huyện xây dựng trên 230 km giao thông nông thôn bằng việc bê tông xi măng với tổng trị giá gần 240 tỷ đồng, làm cứng nền hạ 78 km đường thôn xóm; vận động nhân dân đóng góp trên 5,4 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa 52,8 km đường giao thông nội đồng để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đến nay, có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thị trấn Lạc Tánh xây dựng đô thị văn minh.

Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm bên cạnh phần lễ với những nội dung như báo cáo tổng kết 1 năm hoạt động của khu dân cư; công khai các chính sách, các khoản đóng góp, các khoản chi; công bố các quyết định công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, kết quả bình xét hộ nghèo; Nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương;... các khu dân cư còn tổ chức phần hội với nhiều trò chơi dân gian, hoạt động thể dục, thể thao, các tiết mục văn nghệ được chuẩn bị chu đáo, công phu và bữa cơm Đại đoàn kết tại Ngày hội. Bên cạnh đó, một trong những hoạt động luôn được các khu dân cư chú trọng thực hiện trong Ngày hội là tặng quà, chia sẻ với các gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, tri ân gia đình có công với cách mạng, tôn vinh những cá nhân, tập thể, hộ gia đình có nhiều đóng góp cho cộng đồng và hoạt động xã hội...

Để phát huy hiệu quả của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, trong thời gian đến, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tổ chức Ngày hội; kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động để nhân rộng trong khu dân cư; đưa Ngày hội thật sự trở thành diễn đàn dân chủ để đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị gắn bó mật thiết với Nhân dân, tiếp xúc và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; trao đổi, giải đáp những vấn đề người dân quan tâm. Bên cạnh đó, tùy theo đặc điểm, thế mạnh của mỗi địa phương, mỗi khu dân cư để tổ chức Ngày hội thực sự thiết thực, linh hoạt, hiệu quả. Qua đó đáp ứng yêu cầu củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.


Các tin khác

TÀI LIỆU