TIN HOẠT ĐỘNG

Phát huy vai trò của Mặt trận trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của huyện Tánh Linh

Thời gian qua (2016-2021), Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tánh Linh luôn tích cực, chủ động tham gia xây dựng chính quyền và hoạt động giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH). Thông qua các hoạt động trên đã góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết kịp thời những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.

Quang cảnh buổi giám sát.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ GS, PBXH, Mặt trận huyện luôn bám sát vào các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh để thực hiện từ khâu lựa chọn nội dung giám sát xin ý kiến chủ trương của cấp ủy đến xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện giám sát. trong 5 năm qua, Mặt trận các cấp đã thực hiện được 597 cuộc giám sát, trên 337 công trình (trong đó: 100% vốn nhân dân đóng góp: 57 công trình, 100% vốn Nhà nước: 105 công trình, vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm: 175 công trình) kiến nghị trên 280 ý kiến đến UBND các cấp, các ngành chức năng xem xét giải quyết; tổ chức nhiều Hội nghị phản biện xã hội, phối hợp tổ chức nhiều đợt đối thoại giữa người đứng đầu Cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Những kiến nghị, đề xuất của các đoàn giám sát, phản biện xã hội cơ bản đều được cơ quan chức năng tiếp thu, khắc phục.

Giám sát làm đường giao thông nông thôn.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được Mặt trận và các đoàn thể thực hiện nghiêm túc; tổ chức vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phát huy được vai trò trách nhiệm của mình hàng năm tổ chức hàng trăm cuộc giám sát; nhiều trường hợp Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phát hiện, kiến nghị đã được các ngành chức năng kiểm tra xử lý, đem lại quyền lợi thiết thực cho người dân, cho cộng đồng. Mặt trận các cấp phối hợp tổ chức cho đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp tại 14/14 xã, thị trấn (nay còn 13 xã, thị trấn); với 57 điểm, có 4.616 cử tri dự và tham gia 557 lượt ý kiến, đại biểu Quốc hội ghi nhận 128 ý kiến, các ý kiến còn lại đã được các đồng chí lãnh đạo huyện, xã, thị trấn giải thích, trả lời trực tiếp với cử tri. Phối hợp tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh, huyện tiếp xúc cử tri trước, sau các kỳ họp; với 613 điểm, có 35.102 cử tri dự, có 4113 ý kiến, đại biểu HĐND tỉnh ghi nhận 800 ý kiến, các ý kiến còn lại đã được các vị đại biểu và các đồng chí lãnh đạo huyện, xã, thị trấn giải thích, trả lời trực tiếp với cử tri; riêng tiếp xúc đại biểu HĐND huyện có 2.100 ý kiến, đại biểu ghi nhận 495 ý kiến.

Bên cạnh những mặt đạt được còn tồn tại một số hạn chế như: Việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, nhất là giám sát đối với tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu theo Quy định 124 của Bộ Chính trị còn gặp rất nhiều khó khăn, còn mang tính hình thức. Bên cạnh đó, việc theo dõi tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các ngành sau giám sát một số nội dung chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa đáp ứng với nguyện vọng chính đáng của nhân dân; chưa có sự giám sát, theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, ý kiến trả lời cử tri để mang lại lợi ích thực sự cho nhân dân; công tác phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội vẫn còn mang tính hình thức, chủ yếu mang tính góp ý là chính; nội dung góp ý chưa phong phú, chưa cụ thể, còn mang tính tổng thể, chung chung; việc tiếp thu, trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri đối với chính quyền đôi lúc chưa được kịp thời; chất lượng trả lời một số ý kiến của cử tri chưa cao, trả lời có lúc chưa được thỏa đáng theo nguyện vọng, ảnh hưởng phần nào đến lòng tin của cử tri đối với Đại biểu; cũng như lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Có khá nhiều vụ việc giải quyết còn chậm, còn để kéo dài, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Thời gian đến, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác GS, PBXH, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận các cấp đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình nhân dân, tình hình dư luận xã hội để lựa chọn nội dung giám sát phù hợp. Việc thực hiện các bước giám sát phải đảm bảo quy trình, đưa ra các kiến nghị, đề xuất có sức thuyết phục cao. Đặc biệt cần giám sát kết quả tiếp thu, giải quyết của cơ quan chức năng đối với các nội dung mà mặt trận kiến nghị, đề xuất. Bên cạnh đó, trong thực hiện GS, PBXH cần phối hợp nhiều cách thức, hình thức để thực hiện nhiệm vụ này một cách đồng bộ và hiệu quả; quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, phát huy vai trò giám sát của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.


 


Các tin khác

TÀI LIỆU